Back To Top

banner im good

Con cham hocTrẻ em lười học là nỗi lo, nỗi khổ tâm, sự bực mình hay thậm chí gây stress đối với không ít các bậc phụ huynh. Vậy “Làm sao để có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp bé hứng thú với việc học tập?” là điều trăn trở của rất nhiều cha mẹ.

Rất nhiều trẻ không thích học, và việc thuyết phục chúng thích học thì càng khó hơn. Làm thế nào để con chăm học mà không hề cảm thấy bị ép buộc ?

Hãy thử thực hiện các cách sau đây:

1. Kiểm tra xem có gì gây khó khăn cho trẻ không

Điều này nghe có vẻ dễ dàng và hiển nhiên, nhưng có bao giờ bạn hỏi con mình tại sao không muốn đi cắm trại, không thích tham gia hướng đạo sinh hoặc tại sao không làm bài tập về nhà... chưa? Có nhiều nguyên nhân: có thể khi đi học con hay bị bạn bè chọc ghẹo, có thể con không thích thầy phụ trách đội, hay con thấy chán học môn toán nên không làm bài về nhà. Môi trường thích hợp cũng là yếu tố rất quan trọng. Một số trẻ chỉ có thể tập trung ý tưởng trong những phòng tuyệt đối yên tĩnh nhưng những đứa khác thì lại thích ngồi học ở sân chơi náo nhiệt. Nếu con  bạn nói rằng con không muốn ngồi học một mình trong phòng riêng thì hãy dọn dẹp cho bé ngồi học trong nhà bếp. Nếu trẻ trở nên ham học, không cần đến sự nhắc nhở của người khác thì chắc hẳn phải có một nguyên nhân tốt nào đó.
2. Luôn phối hợp chặt chẽ với cô giáo để nắm bắt chính xác tình hình học tập của con

Cha mẹ hãy thường xuyên trao đổi với cô giáo về tính tự giác học tập của trẻ tại nhà, trên lớp để có những điều chỉnh phù hợp trong cách giáo dục. Nếu con quên nhiệm vụ làm bài tập cô giao về nhà, hãy cho con chịu phạt để con hiểu rằng việc học là của chúng chứ không phải ai khác. Bố mẹ tuyệt đối không được bênh khi con bị cô la, để trẻ không ỷ vào cha mẹ, biết tự suy xét lại hành vi của mình và từ đó sửa chữa. Thay vì bênh vực con cái, cha mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu ra sai lầm của bản thân, để trẻ vui vẻ chấp nhận và sửa chữa những sai lầm trong tương lai. Đây được xem là một trong những cách đơn giản giúp trẻ biết tự ý thức về trách nhiệm của bản thân, tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.

3. Không nhắc nhở quá nhiều việc con phải học bài

Các bậc cha mẹ không nên nhắc nhở hay nài ép chuyện học tập của con, bởi đôi khi những lời nhắc nhở của cha mẹ có thể khiến trẻ thêm căng thẳng và mệt mỏi với những áp lực của việc học tập. Theo những chuyên gia tâm lý, việc nhắc nhở trẻ học bài, lâu dần sẽ trở thành thói quen khiến trẻ ỷ lại, chỉ học bài khi có sự nhắc nhở. Thay vì nhắc nhở và nài ép trẻ, cha mẹ nên xây dựng cho trẻ một thời gian biểu học tập và sinh hoạt khoa học, cân đối giữa việc học tập và giải trí, nhằm giúp trẻ thư giãn và chủ động ngồi vào bàn học tập mà không đợi nhắc nhở.

4. Hạn chế việc giảng bài cho con tại nhà

Cha mẹ chỉ nên giảng cho con những vấn đề, những bài tập khó; những bài tập thông thường, đã được thầy cô giảng dạy trên lớp, trẻ có hỏi thì tốt nhất bạn không nên trả lời, bởi việc giảng bài cho con vào lúc này không thể giúp trẻ học tốt hơn mà còn cảm thấy trẻ hoang mang nếu cách dạy của bạn khác với cách cô giáo dạy trên lớp. Nếu trẻ trả lời, con chưa hiểu rõ dạng bài tập mà cô đã dạy trên lớp và nhờ cha mẹ giảng lại, tốt nhất lúc này, bạn nên tham khảo ý kiến, tìm hiểu thêm kiến thức từ các thầy cô giáo đã trực tiếp dạy con mình, sau đó, giảng dạy cho trẻ thông suốt. Cách làm này, khiến trẻ tiếp thu kiến thức tốt hơn mà không cảm thấy hoang mang, lo lắng khi có sự khác biệt trong cách giảng dạy giữa thầy cô giáo và cha mẹ.

Một hạn chế của việc cha mẹ giảng bài cho con phải đề cập đó là với cách giảng dạy và truyền đạt không chuyên nghiệp, cha mẹ có thể khiến trẻ thấy càng khó hiểu, khiến trẻ khó có thể tập trung làm bài được. Mặt khác việc giảng bài cho con đôi lúc khiến tình cảm, khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày càng xa hơn nếu bạn không đủ kiên nhẫn, dịu dàng khi kèm con học.

Do đó, thay vì chủ động giảng bài cho bé, bạn nên để bé có thời gian tự tìm tòi, tập trung tìm cách giải. Nếu vẫn không thể giải được, trẻ sẽ chủ động nhờ thầy cô giảng lại để ghi nhớ lâu hơn.

5. Thưởng, phạt đúng cách

Phạt khi trẻ không hoàn thành nhiệm vụ là điều cần thiết, song cha mẹ không nên lạm dụng phạt khi trẻ chỉ mới có biểu hiện lười biếng, nên phạt khi trẻ không hoàn thành nhiệm vụ và bị cô giáo mách. Hành vi phạt đúng lúc này khiến trẻ hiểu ra thiếu sót của mình trong việc học tập, để từ đó rút kinh nghiệm và sửa chữa. Khi phạt trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý, phạt nhưng không nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của con. Không so sánh hoặc lấy ai đólà bạn bè hay anh chị để làm gương khi giáo dục trẻ, bởi nó có thể khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm và trở nên ngang bướng không chịu sửa chữa.

Song song với việc trừng phạt, các bậc cha mẹ cũng không nên tiết kiệm lời khen ngợi với con trẻ. Bố mẹ nên khen ngợi khi trẻ có những thành tích trong học tập, được các thầy cô giáo khen ngợi vì sự tiến bộ. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ sẽ là động lực tinh thần to lớn để con trẻ cố gắng phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong học tập. Khen ngợi là điều thiết thực nhưng tuyệt đối không nên thưởng, bởi nó có thể khiến trẻ cố gắng học tốt chỉ vì được thưởng, làm nảy sinh tâm lý đòi hỏi trong tương lai. 

Tổ chức giáo dục phát triển tư duy học tập toàn diện I'm Good