Back To Top

banner im good

gia su luyen thi chia se kinh nghiem phuong phap day hoc hieu qua5“Trẻ em không ghét môn toán, trẻ em chỉ ghét sự rối rắm và sợ hãi khi không hiểu bài. Sự thấu hiểu sẽ mang đến niềm vui và sự yêu thích cho trẻ. Niềm vui và sự yêu thích mang đến sự tiến bộ, sự tự tin và từ đó kho tàng tri thức sẽ được mở ra.”- Larry Martinek

Do vậy, để trẻ tự tin hơn với những kiến thức toán trẻ đã được học và làm quen chúng tôi xin đưa ra một số kĩ thuật trong việc giảng dạy như sau:

1.Kĩ thuật tư duy Toán tổng hợp.

Kỹ thuật này giúp cho học sinh luyện tập thói quen suy nghĩ và vận dụng tư duy toán học một cách nhanh chóng và đòi hỏi có sự tổng hợp các kiến thức. Từ đó, giúp cho trẻ vừa ôn lại kiến thức cũ vừa có suy luận logic, kết hợp để có thể giải quyết một bài toán.

Ví dụ: Khi trẻ tiếp nhận dạng toán Tìm hai số khi biết Tổng và hiệu,  chúng ta không nên chỉ đưa ra một bài toán có “bày sẵn” Tổng và Hiệu để trẻ chỉ cần nhớ công thức giải toán rồi áp dụng một cách máy móc như đề toán sau: “Tìm hai số biết tổng hai số là 200, hiệu hai số là 150.” Đối với đề toán này trẻ chỉ cần nhớ “ muốn tìm số lớn ta lấy (Tổng + Hiệu) : 2 sau đó tìm số bé lấy số lớn vừa tìm được trừ đi hiệu hoặc lấy Tổng trừ đi số lớn.

Mà chúng ta hãy đan cài thêm những kiến thức cũ trẻ đã được học để đòi hỏi trẻ phải giải quyết những bài toán phụ hay còn gọi là bài toán nhỏ trước khi tìm ra Tổng và Hiệu để có thể áp dụng công thức cho việc giải bài toán lớn như hai đề toán sau: “Bài 1: Trung bình cộng của hai số là 150. Số lớn hơn số bé là 50. Tìm hai số đó .Bài 2: Tổng của hai số là số lẻ lớn nhất có 4 chữ số khác nhau, hiệu của hai số là số nhỏ nhất có 4 chữ số khác nhau. Tìm hai số đó.” Đối với hai đề toán này trước khi tìm ra Tổng và Hiệu để áp dụng công thức giải toán trẻ cần nhớ lại kiến thức cũ về Trung bình cộng của hai số (Bài 1) và kiến thức cũ về Số tự nhiên (Bài 2).

Như vậy với kĩ thuật đan cài bài toán nhỏ chứa kiến thức cũ vào việc giảng dạy kiến thức mới sẽ giúp trẻ có tư duy tổng quát, tổng hợp và logic.

2.Kĩ thuật quan sát trực quan:

Đối với lứa tuổi học sinh tiểu học nói riêng và học sinh nói chung việc các con tư duy bằng hình ảnh sẽ dễ dàng hơn so với việc các con phải đọc chữ và phân tích. Chính vì vậy các hình ảnh biểu đồ, bảng biểu giàu ý nghĩa được chúng tôi sử dụng để giải thích các ý tưởng và khái niệm toán học trong quá trình học tập của học sinh, giúp các con tiếp thu nhanh và hiểu rõ vấn đề hơn so với việc chỉ diễn đạt bằng chữ viết.

Ví dụ: Với đề toán “Một cửa hàng có ba thùng dầu, thùng thứ nhất đựng 9,7 lít dầu, thùng thứ hai đựng nhiều hơn thùng thứ nhất 3,5 lít. Cửa hàng đã bán 16,3 lít dầu và còn lại 22,2 lít dầu. Hỏi thùng thứ ba đựng bao nhiêu lít dầu?” nếu các con phải đọc kĩ và phân tích để hiểu đề bài cho những dữ kiện nào và các con phải đi tìm cái gì từ các dữ kiện toán đó thì các con sẽ lúng túng. Nhưng khi chiếu lên màn hình dạy học hình ảnh những thùng dầu gắn với các con số trong bài toán các con sẽ tiếp nhận và hiểu đề bài nhanh hơn.

3.Kĩ thuật sử dụng sơ đồ tư duy:

Trong những năm gần đây việc sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập không còn quá mới lạ nhưng hầu hết học sinh chưa biết cách sử dụng cũng như khai thác triệt để công dụng của sơ đồ tư đồ tư duy. Chính vì vậy trong mỗi buổi học chúng tôi đều lồng ghép việc hướng dẫn các con sử dụng sơ đồ tư duy để từ đó các con có thể tổng hợp kiến thức, ôn tập kiến thức. Thông qua đó sơ đồ tư duy sẽ giúp não bộ của các con ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn.

Như vậy  với ba kĩ thuật nêu trên mỗi học sinh sẽ được học và giải những bài tập riêng được lựa chọn phù hợp với khả năng nhằm củng cố các phần kiến thức còn yếu và phát triển các phần kiến thức đã vững của mỗi học sinh.

Tổ chức giáo dục phát triển tư duy học tập toàn diện I'm Good