Back To Top
“Não cá vàng” hay “học trước quên sau” có lẽ không hiếm gặp đối với các bạn học sinh, sinh viên, hay thậm chí người đi làm. Đây là một trong những rào cản lớn, ngăn cản bạn đạt đến thành công. Vậy làm thế nào để tránh được tình trạng này và đạt kết quả cao trong học tập, làm việc? Hãy cùng tham khảo 7 phương pháp rèn luyện trí nhớ siêu phàm dưới đây và áp dụng một cách thật nghiêm túc để rèn luyện trí não tốt, giúp bạn có thể nhớ lâu, tư duy sáng tạo và logic nhé!
Tip 1: Nắm chắc nội dung vấn đề
Hãy tập trung nghe giảng trên lớp. Chỉ khi nắm chắc được nội dung vấn đề thì bạn mới có thể nhớ được nó, từ đó bạn mới có được tư duy lập luận tốt, hình dung tổng quan vấn đề cần ghi nhớ và điều đó sẽ giúp bạn nhớ lâu vấn đề hơn. Nếu học theo kiểu học vẹt, học cố gắng nhồi nhét, học lơ tơ mơ, không hiểu vấn đề thì chắc chắn chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, tất cả lại quay trở về con số 0. Khi đó, bạn không chỉ mất công, mất sức để học mà còn lãng phí rất nhiều thời gian mà không đạt được mục đích.
Tip 2: Hệ thống lại kiến thức, ôn tập để củng cố lại trí nhớ
Khi đã hiểu cặn kẽ vấn đề rồi thì bạn đã gần thành công rồi đấy. Tiếp tục cố gắng nào! Hãy ôn tập, củng cố và hệ thống lại toàn bộ kiến thức, liên hệ các kiến thức với nhau để có cái nhìn bao quát hơn về tất cả các vấn đề. Hãy nhớ rằng bộ não của con người bao gồm bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ dài hạn. Các thông tin không cần thiết có xu hướng bị đẩy vào vùng nhớ tạm của bộ não. Vì thế nếu kiến thức nào quan trọng, hãy luôn nhắc lại củng cố kiến thức để bộ não nhận biết đó là thông tin quan trọng và đưa vào vùng lưu trữ lâu dài, để kiến thức đó không bị ra đi vĩnh viễn.
Tip 3: Trau dồi thêm kiến thức mới và áp dụng vào thực tiễn
Việc học tập trong nhà trường chỉ giúp bạn hiểu những vấn đề cơ bản nhất, và việc dừng lại nhớ một kiến thức nhất định không hề khó. Cái quan trọng là bạn cần tìm tòi, đào sâu thêm vấn đề đó để hiểu sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn; và bạn cần áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn đi làm việc sau này và phát triển khả năng tư duy để có được trí nhớ tốt hơn và nhớ được những vấn đề phức tạp hơn.
Tip 4: Tin tưởng vào chính bản thân mình
Tự tin là chìa khóa của thành công. Làm bất cứ việc gì bạn cũng cần tin tưởng vào chính bản thân mình, và việc rèn luyện trí nhớ cũng vậy. Bạn chắc chắn sẽ nhớ được rất rất nhiều kiến thức, bởi trí nhớ của con người là vô hạn. Hãy coi việc nhớ kiến thức là thú vui sở thích chứ không phải là một nhiệm vụ. Vì chỉ có như vậy khả năng rèn luyện trí nhớ của bạn mới được cải thiện và tốt hơn. Việc giữ trong lòng tâm trạng căng thẳng, không thoải mái chỉ làm cho bạn thêm nản chí mà thôi. Vì thế trước khi muốn rèn luyện khả năng nhớ lâu của mình thì vứt cái không liên quan qua một bên nhé!
Tip 5: Chăm chỉ ghi chú
Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân môt cuốn sổ nhỏ và một chiếc bút để ghi chép tất cả những thứ mà bạn cần phải nhớ. Bật mí là bạn nên sử dụng Mindmap (Sơ đồ tư duy) để ghi chép, vì điều đó sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về nội dung cần ghi nhớ. Và khi bạn ghi chép, bạn đã học một lần nữa rồi đấy. Hiệu quả ghi nhớ của bạn đạt được nhờ phương pháp học tập này chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tip 6: Vận dụng trí tưởng tượng để ghi nhớ
Hãy liên tưởng những kiến thức bạn đã được học với những gì gần gũi nhất, dễ nhớ nhất để có thể nhớ được những cái khó hơn. Hãy nhớ rằng liên tưởng càng sinh động,ấn tượng thì bạn ghi nhớ càng tốt. Càng lặp lại nhiều lần, ấn tượng càng sâu sắc giúp hình thành phản xạ tự nhiên. Liên tưởng thời gian càng gần càng dễ nhớ.
Tip 7: Hãy thực hành nhiều thật nhiều để rèn luyện trí nhớ
Trong giờ học luôn có những giờ thực hành, thí nghiệm… Như học hóa học, vật lí, bạn hãy tự tay mình làm mô phỏng thí nghiệm. Học địa lí, sinh vật bạn hãy tự tay vẽ biểu đồ, vẽ hình giải phẫu. Những hoạt động kết hợp sẽ nâng cao hiệu quả ghi nhớ. Chỉ cần bạn tích cực và độc lập bạn sẽ thấy mình nhớ tốt hơn những người xung quanh.