Back To Top
Trên thực tế, có rất nhiều trẻ không thích học và việc thuyết phục chúng thích học thì càng khó hơn. Có nhiều bậc cha mẹ đã tỏ ra sốt ruột và bất lực khi con cứ tìm cớ và viện đủ mọi lý do chỉ để trốn duy nhất một việc: đó là học.
Không phải ép buộc và cáu gắt? Hãy thử thực hiện các cách sau đây:
Có nhiều cha mẹ sẽ băn khoăn rằng tại sao lại không nên nhắc con học bài, nếu không nhắc thì con sẽ không học đâu. Điều này không sai, tuy nhiên cha mẹ hãy hiểu rằng việc học là của các con, con học vì bản thân con chứ không phải vì cha mẹ. Hãy tập cho con tính tự giác trong việc học, bởi nếu bố mẹ nhắc nhở con quá nhiều sẽ hình thành cho con thói quen chỉ khi bố mẹ nhắc thì con mới học. Điều này không những khiến con bị thụ động trong việc học, bố mẹ mệt mỏi khi luôn phải thúc ép con mà còn gây cho con áp lực và làm con thấy sợ việc học hơn.
Cha mẹ luôn mong muốn con phải trở thành học sinh giỏi, phải có thành tích học tập cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng phát triển theo một tốc độ giống nhau, có con tư duy tốt, hiểu nhanh nhưng cũng có những con kém hơn và chậm hơn các bạn. Vì vậy, muốn con chăm học thì bố mẹ phải nhìn nhận được khả năng thật sự của con để có phương pháp phù hợp giúp con phát triển bản thân trong học tập. Đừng bao giờ so sánh con hoặc thúc ép con phải học giỏi như bạn này bạn kia khi năng lực của con không thể đáp ứng được điều cha mẹ mong muốn.
Có thể con không có tư duy môn toán tốt như các bạn, nhưng con lại sớm tỏ ra có năng khiếu về hội họa hoặc thể thao, hãy tạo mọi cơ hội để con có thể phát triển năng lực của mình. Khi có một môi trường học tập phù hợp với con, con sẽ tự có sự hứng thú, đam mê và nỗ lực để thực hiện cái mà chúng quyết định theo đuổi. Vì vậy bố mẹ hãy tạo cho con cơ hội để con phát triển tốt nhất.
Việc con lười biếng không chịu làm bài tập về nhà mà cô giao, hay con nghịch ngợm, không chú ý nghe cô giảng bài và bị cô phạt,..Lúc này việc bố mẹ phạt con là cần thiết để con hiểu được hành vi của mình là không tốt và từ đó giúp con sửa chữa. Nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng, trẻ em cũng có lòng tự trọng, nếu con chưa thể sửa chữa ngay được thì bố mẹ cũng không nên nhắc đi nhắc lại các lỗi sai của con quá nhiều lần, đặc biệt là việc nhắc lại các hình phạt cho con.
Chắc chắn rằng chẳng có đứa trẻ nào có thể chịu đựng được điều đó, ngay cả bản thân người lớn cũng vậy. Làm việc gì cũng cần có thời gian, muốn con chăm học hơn cũng thế, thay vì việc nhắc đi nhắc lại các hình phạt cho con khi con lười biếng thì cha mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại lười và tìm ra phương pháp phù hợp để giúp con thay đổi.
Muốn con chăm học thì bố mẹ cần phải tạo động lực cho con. Một trong những cách đơn giản nhất để tạo động lực cho trẻ đó là dành cho trẻ những lời khen. Nhưng khen thế nào để động viên được con và khiến con thực sự tin tưởng vào lời khen đó của bố mẹ. Nếu ngày nào con cũng hào hứng mang cho bố mẹ xem những bài con làm ở trường, khoe với bố mẹ khi con được điểm cao và con cũng chỉ nghe chừng ấy lời khen từ bố mẹ như “giỏi lắm”, “tốt lắm”,..thì bọn trẻ sẽ hiểu rằng bạn bố mẹ chỉ khen cho có và không thực sự quan tâm đến chuyện học hành của chúng. Vậy bố mẹ có thể nói những gì với con?
Đơn giản thôi, nhưng rất cụ thể. Ví dụ “Mẹ rất thích ý tưởng này trong bài văn của con”, “Bài toán này con giải hay lắm”,..Khi đó trẻ sẽ thấy rằng bố mẹ rất quan tâm đến những hoạt động của chúng và sẽ cố gắng để đạt kết quả cao hơn trong những lần sau.
Nếu được cha mẹ quan tâm và khích lệ thì các con sẽ tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên, trẻ cũng cần phải có thời gian để đạt được sự tiến bộ đó. Những câu la mắng, thúc ép con học hành sẽ gây cho con áp lực, đôi khi còn khiến con bị tổn thương. Ai cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi, trẻ em cũng vậy. Sau một tuần học tập mệt mỏi, cha mẹ hãy cho con có thời gian để thư giãn và làm những gì con thích như đến những khu vui chơi mới, cho con đọc những cuốn sách mới,.. Con sẽ học được nhiều khi được tiếp xúc với những điều mới mẻ. Điều này sẽ giúp các con khỏe mạnh, tinh thần thoải mái hơn và sẵn sàng để chuẩn bị cho tuần học tiếp theo.