Back To Top
Con ham học luôn là mong muốn của các bậc cha mẹ. Khi con ham học, con sẽ có sự chủ động, tự giác mà không cần cha mẹ phải nhắc nhở, thúc giục về việc thực hiện bài tập. Vậy làm thế nào để giúp con ham học, cha mẹ hãy cùng tham khảo một số các cách sau:
Không gian học tập ảnh hưởng rất nhiều đến hứng thú học tập của các con. Không gian học tập nhiều tiếng ồn, thiếu ánh sáng, bừa bộn, không đầy đủ đồ dùng học tập…sẽ khiến các con mất tập trung và không có sự hào hứng cho việc học. Vì vậy, để tạo sự hứng thú cho con, không gian học tập có sự thu hút sẽ là yếu tố đầu tiên mà các bậc cha mẹ nên chú ý đến. Thay vì sự bừa bộn, cầu thả đó, cha mẹ hãy cùng con dọn dẹp và trang trí lại góc học tập. Góc học tập cần có đầy đủ ảnh sáng, sách vở, đồ dùng học tập cần đầy đủ và được sắp xếp một cách khoa học.
Ngoài ra, để tạo động lực cho con, cha mẹ hướng dẫn con viết ra mục tiêu của mình dán cùng một số khẩu hiệu tạo động lực như “Trên con đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng”; “Nếu bạn muốn thứ bạn chưa từng có, thì bạn phải làm những việc bạn chưa từng làm”…cũng như trang trí thêm bằng một số cây cảnh tượng trưng cho ý chí, sức mạnh như cây xương rồng hoặc bằng hình ảnh của gia đình bạn bè. Với không gian học tập hiệu quả, cha mẹ và các con cũng cần cất dọn những đồ vật gây ảnh hưởng đến sự tập trung của các con như: truyện tranh, đồ chơi…
Bước tiếp theo sau khi đã tạo cho con không gian học tập phù hợp đó chính là các con cần xây dựng kế hoạch học tập để chủ động, độc lập với công việc của mình. Trong kế hoạch học tập, các con nên đưa ra mục tiêu, cách thức triển khai, thời gian thực hiện… cho từng môn học.
Việc xây dựng kế hoạch không chỉ giúp các con chủ động với nhiệm vụ của mình mà còn tạo ra nguyên tắc cho bản thân từ đó có thể đánh giá được ưu, nhược điểm của bản thân để xây dựng phương án khắc phục.
Sau khi xây dựng kế hoạch học tập, cha mẹ nên hướng dẫn các con phân loại từng nhóm môn học như: Nhóm các môn tự nhiên, nhóm các môn xã hội…Với mỗi một nhóm môn học, chúng ta sẽ lại có các phương pháp học phù hợp như:
- Với các bộ môn học thuộc: Các con có thể sử dụng phương pháp SĐTD để tóm tắt các ý chính của nội dung bài học. Bên cạnh đó SĐTD với các hình ảnh minh họa sẽ giúp các con ghi nhớ nhanh hơn và tốt hơn vì lúc này hình ảnh sẽ khiến các con ghi nhớ vấn đề lâu hơn.
- Với các bộ môn tự nhiên: Các con có thể sử dụng các cuốn sổ nhật ký để ghi chép lại các công thức được đưa ra trong buổi học. Bên cạnh đó, để không bị khô khan với những công thức, cha mẹ có thể hướng dẫn con tạo thành các bài vè môn học ví dụ
Tính diện tích hình thang: Muốn tính diện tích hình thang
Đáy lớn, đáy bé ta đem cộng vào
Cộng vào nhân với chiều cao
Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra
Hay khi con muốn ghi nhớ dãy hoạt động hóa học của kim loại “K, Ca, Na, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, (H), Cu, Hg, Ag, Pt, Au”, con cũng thể ghi nhớ theo cách nói: “Khi cần nàng may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng Á Phi Âu”
Ngoài ra, với các môn tự nhiên, cha mẹ có thể hướng dẫn con ghi chú các mẹo tính nhanh vào sổ tay toán học, hóa học… để con ghi nhớ nhé. Ví dụ cách nhân nhẩm một số với 11
2 chữ số nhân với 11: AB x 11 = A | A + B | B
3 chữ số nhân với 11: ABC x 11 = A | A +B | B+C | C
4 chữ số nhân với 11: ABCD x 11 = A| A+B | B+C | C+D |
Việc ghi nhớ mẹo sẽ giúp các con hứng thú, tập trung và rút ngắn được thời gian làm bài
Là học sinh, không ai là không muốn chơi. Vậy nên, để con ham học cha mẹ hãy biến những buổi học đó thành những buổi hoạt động, những buổi thi đấu thú vị để con tò mò và hứng thu tham gia. Việc tổ chức luyện bài tập thông qua các hoạt động trò chơi không chỉ giúp các con thích thú, hào hứng mà còn giúp các con phản xạ kiến thức nhanh hơn, tư duy sâu và tốt hơn. Ví dụ, để giúp con ghi nhớ từ vựng tiếng Anh, cha mẹ cùng con tham gia nối chữ như: Khởi đầu bằng chữ “Begin” => người tiếp theo phải nối chữ bắt đầu bằng chữ “n” như: nothing” => gone => egg => good => dog….
Muốn con ham học không khó, điều quan trọng cha mẹ cần tìm ra được ưu nhược điểm của con từ đó định hướng cho con những phương pháp học phù hợp, hiệu quả với tính cách của con. Ngoài ra, cha mẹ hãy giành thời gian để tương tác và chia sẻ với con những vấn đề trên trường lớp. Khi tinh thần của con thoải mái, vui vẻ và không bị áp lực con chắc chắn sẽ chủ động và tự giác với việc học của mình. Hãy biến việc học tập của con thành sở thích đam mê thay vì áp lực bởi sự thúc giục, nhắc nhở của cha mẹ nhé.