Back To Top

banner im good

dạy con viết văn

Hiện nay, trên mạng xã hội đang xuất hiện rất nhiều các bài văn “bất hủ” của học trò, các con miêu tả “chân thực”, sống động đến mức các phụ huynh “méo mặt” thậm chí chảy nước mắt khi đọc những dòng văn của con. Vậy phải làm thế nào để cải thiện cách làm văn của con? Sau đây tôi xin được giới thiệu cách tập làm văn theo qui trình mà tôi đã áp dụng cho con và đã thu được kết quả bất ngờ. Đó là tập làm văn theo qui trình.

 

 

 

Trước đây tôi cũng nhắc nhở con tôi là trước mọi vấn đề (nhất là làm văn) con cần biết cách liên hệ đến đời sống xung quanh. Ví dụ như khi miêu tả cây tre, con phải đưa ra được ý nghĩa cây tre tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất, sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam vì đặc điểm của cây tre là rất dễ trồng, dễ sống mà không cần nhiều sự chăm sóc, dù mưa gió, bão tố cũng không làm cho cây tre đổ ngã….Tuy nhiên nhiều lúc con lại máy móc, liên hệ “ chân thực” quá đà như: cứ là thương binh thì nhất định là phải thiếu mất 1 bộ phận nào đó như tay, chân…con thấy các bạn miêu tả bác thương binh cụt tay, cụt chân rồi, con muốn “sáng tạo” hơn nên con hỏi mẹ là “con tả bác ấy cụt đầu được không mẹ”….

tap viet van

Trước những ý tưởng và sức sáng tạo không ngừng của con trẻ, tôi thực sự hoang mang. Tuy nhiên sau khi gặp gỡ một chuyên gia tâm lý, dạy tôi cách tư duy theo qui trình, tôi thấy ngay cả bản thân tôi cũng cần áp dụng phương pháp này trước mọi vấn đề của cuộc sống. Tôi áp dung và thấy khá hiệu quả nên chợt nảy ra suy nghĩ cách dạy con tập làm văn theo qui trinh. Và hiệu quả bất ngờ là con tôi không chỉ học tốt môn văn hơn mà con còn biết cách tư duy, nhìn nhận đối với các vấn đề khác trong cuộc sống.

Các bước để viết một bài văn

Bước 1: Nhìn nhận, phân tích vấn đề

Ngay khi tiếp nhận đề bài con phải nhận định yêu cầu của bài văn này là làm gì, miêu tả ai, miêu tả cái gì, cần đảm bảo nội dung gì, cần làm như thế nào….
Yêu cầu của bài là tả cái gì, đối tượng là ai, con gì, cái gì, đối tượng đó như thế nào, có tác dụng gì, ảnh hưởng gì, có ý nghĩa gì…..

Như vậy khi con trả lời được hết các câu hỏi con sẽ không bị lạc đề hay hiểu sai đề bài. Cứ như vậy đối với tất cả các bài văn con sẽ hình thành thói quen phân tích, nhìn nhận đề bài trước khi bắt tay vào viết văn.

Bước 2: Lên kế hoạch (lập dàn bài)

Một bài văn đủ ý là điều cực kỳ quan trọng. Hãy tưởng tượng với một bài văn cần có đủ 4 ý, nếu con bạn diễn đạt rất hay, phân tích sát vấn đề, sâu sắc trong từng khía cạnh, dẫn chứng rất sinh động, nhưng con chỉ nêu được 2 trong 4 ý cần có. Điều gì sẽ xảy ra? Bài văn của con bạn có hay đến mức nào đi chăng nữa điểm số tối đa của nó cũng chỉ đạt 50-60% số điểm. Lập dàn ý trước khi viết bài chính là một cách để tránh sót và lặp ý.
Với mỗi đề văn cần lập dàn ý, tuy hơi mất thời gian nhưng điều này sẽ giúp con bạn lường hết mọi tình huống đề có thể bắt gặp và không phải lúng túng khi viết bài.

Một dàn ý cho 1 bài văn cơ bản gồm:

  •  Mở bài:  theo kiểu gián tiếp hay trực tiếp
  • Thân bài: gồm những nội dung gì, cần phải đảm bảo những ý gì….

          Ví dụ: giới thiệu nhân vật, đặc điểm, hình dáng, hành động, công dụng (nếu có)

  •  Kết bài: viết theo kiểu diễn giải hay qui nạp.

Lập dàn ý này bao gồm cả việc con phân bổ thời gian cho từng phần để tránh trường hợp đầu voi, đuôi chuột hoặc không kịp giờ để hoàn thiện phần kết bài.
Với việc lập dàn ý, con sẽ lần lượt đi từ từng ý, đặt câu hỏi và trả lời cho từng câu hỏi,cứ lần lượt như vậy kết hợp với các câu văn mượt mà, những phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, liên hệ thực tế đời sống cùng với những dẫn chứng sinh động sẽ khiến cho bài viết của con có sức thuyết phục thậm chí đi vào lòng người đọc hơn.

Bước 3: Thực hiện

Con thực hiện viết văn theo dàn ý đã lập, đi từ từ từng nội dung một và xâu chuỗi chúng lại bằng mạch cảm xúc, quan điểm, cảm nhận của con về vấn đề, liên hệ thực tế bản thân,.....theo những nội dung đã được con lập dàn ý từ trước.

Bước 4: Kiểm tra + rút kinh nghiệm

Sau khi đã hoàn thành bài viết, con đọc lại để kiểm tra lại nối chính tả, cách dùng từ hoặc ngắt nghỉ câu, đảm bảo đầy đủ ý theo dàn bài đã lập.
Con sẽ rút ra được kinh nghiệm gì sau khi viết bài, con hãy tóm tắt ra một số lưu ý để nếu trong khi học con gặp những dạng đề tương tự con sẽ làm như thế nào.
Như vậy với mỗi dạng đề con sẽ hình thành một qui luật nhất định. Ví dụ: dạng văn tả cảnh, tả người, nghị luận xã hội…con sẽ tiếp cận và trình bày như thế nào.
Với tư duy theo qui trình trên, nếu con bạn vận dụng xuyên suốt đối với mọi dạng đề hoặc cả các vấn đề khác nhau trong cuộc sống thì con sẽ luôn có sự chủ động, thoải mái, sáng tạo hơn trong khi làm văn. Đồng thời hình thành cho con thói quen phân tích, nhận định vấn đề một cách logic và khoa học hơn. Tập làm văn không chỉ là môn học cần sự văn hoa, những câu nói hoán dụ, ẩn dụ, những phép so sánh… mà hơn cả là cần sự tư duy logic, hiểu đúng và diễn đạt đúng, đủ nội dung vấn đề. Trẻ hình thành thói quen tư duy sẽ giúp trẻ chủ động, tích cực hơn trong cuộc sống. Hãy để con bạn nghĩ rằng môn tập làm văn, viết văn cũng giống như đang diễn tả cuộc sống của con chỉ có điều nó được chuyển thể một cách sinh động và sáng tạo hơn mà thôi. 

Tổ chức giáo dục phát triển tư duy học tập toàn diện I'm Good